Ma trận BCG là gì? Cách phân tích và xây dựng ma trận BCG
Nội Dung ChínhMa trận BCG là gì?Ưu nhược điểm của ma trận BCGƯu điểmNhược điểmPhân tích ma trận BCGDấu hỏi trong ma trận BCGNgôi sao trong ma trận BCGBò sữa trong ma trận BCGCon chó trong ma trận BCGÝ nghĩa của ma trận BCGCách xây dựng ma trận BCGMột số ví dụ về ma trận … Tiếp tục đọc Ma trận BCG là gì? Cách phân tích và xây dựng ma trận BCG
Ma trận BCG là một trong các phương pháp xác định chiến lược được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Hãy cùng Vietnix tìm hiểu về ma trận BCG, các phân tích ma trận BCG, một số ví dụ về ma trận BCG.
Ma trận BCG là gì?
Ma trận BCG (BCG Matrix) là viết tắt của Boston Consulting Group – Công ty đã sáng tạo ra lý thuyết này. Các doanh nghiệp thường dùng ma trận BCG trong quản trị chiến lược, giúp định hướng chiến lược tăng trưởng thị phần cho doanh nghiệp, xác định vị trí của sản phẩm trên thị trường để đi tới quyết định đầu tư hay xóa bỏ sản phẩm.
Về cơ bản, ma trận BCG cho rằng trong số các sản phẩm của doanh nghiệp, có thể có sản phẩm đem lại lợi nhuận cao, có các sản phẩm tầm tầm, lại có những sản phẩm nếu tiếp tục giữ lại sẽ gây tổn thất đến doanh nghiệp. Từ đó, người lãnh đạo cần căn cứ vào thị phần (cao, thấp), tốc độ tăng trưởng của ngành hàng (cao, thấp) để phân loại sản phẩm vào các nhóm tương ứng. Có 4 loại cơ cấu sản phẩm trong ma trận BCG:
1. Con chó: Các sản phẩm có thị phần thấp và mức tăng trưởng thấp.
2. Dấu hỏi: Các sản phẩm có thị phần nhỏ trong thị trường tăng trưởng cao.
3. Ngôi sao: Các sản phẩm có thị phần cao, mức tăng trưởng cao.
4. Bò sữa: Các sản phẩm có thị phần cao, nhưng mức tăng trưởng thấp.
>> Xem thêm: Social Media Marketing là gì? 8 bước xây dựng chiến lược hiệu quả
Ưu nhược điểm của ma trận BCG
Ưu điểm
- BCG Matrix giúp phân bổ nguồn vốn cho doanh nghiệp, giúp các công ty theo đuổi mục tiêu thị phần và tìm kiếm lợi ích từ đường cong kinh nghiệm.
- Ma trận BCG có cấu trúc rất đơn giản, dễ dàng làm quen và sử dụng.
- Là mô hình chiến lược uy tín, lâu đời, đã được chứng minh theo thời gian.
- Ma trận BCG đem đến sự hiểu biết về việc liên kết điểm mạnh cạnh tranh với các cơ hội thị trường để có được một chiến lược phù hợp cho tổ chức.
Nhược điểm
Tuy được đánh giá cao, Ma trận BCG cũng tồn tại những hạn chế mà bạn nên cân nhắc trước khi áp dụng:
- Ma trận BCG không quan tâm đến môi trường vĩ mô. Do đó không cho ta thấy được bức tranh tổng quan của sản phẩm ở cả môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
- Ma trận BCG hầu như không có giá trị dự báo tương lai.
- Ma trận BCG tiềm ẩn những sai sót khi nhà lãnh đạo tiến hành đánh giá và phân loại các sản phẩm.
Phân tích ma trận BCG
Dấu hỏi trong ma trận BCG
Đây là sản phẩm có thị phần nhỏ nhưng mức độ tăng trưởng cao. Chúng là các ngành hàng có khả năng tăng trưởng dài hạn trong tương lai. Chúng cần nguồn vốn đầu tư lớn và các công đoạn đánh giá tiềm năng chính xác. Các dự án mạo hiểm hoặc khởi nghiệp thường nằm ở dạng Dấu hỏi. Họ có tiềm năng giành được thị phần và cuối cùng trở thành các sản phẩm Ngôi sao. Nếu được đầu tư đúng cách, Dấu hỏi sẽ phát triển và tiêu tốn một lượng đầu tư lớn. Nhưng nếu các sản phẩm Dấu hỏi không thành công, chúng sẽ dễ dàng biến thành sản phẩm Con chó.
Ngôi sao trong ma trận BCG
Các sản phẩm Ngôi sao có thị phần lớn ở các ngành hàng có mức tăng trưởng cao. Chúng có lợi thế lớn trong việc cạnh tranh và đang trên đà phát triển trong dài hạn. Các sản phẩm này được đánh giá cao về khả năng sinh lời, tuy nhiên chúng lại cần nguồn vốn đầu tư khá lớn nhằm giữ vững vị trí dẫn đầu. Theo thời gian, khi thị trường bão hòa, các Ngôi sao sẽ trở thành các Con bò khi có thị phần khổng lồ nhưng trong một thị trường có mức tăng trưởng thấp.
Bò sữa trong ma trận BCG
Các sản phẩm có mức tăng trưởng thấp nhưng có thị phần cao và khả năng cạnh tranh lớn. Chúng có khả năng sinh lợi cao nhưng tốc độ phát triển của ngành hàng lại rất thấp do đã có sự bão hòa. Do đó nên duy trì khoản đầu tư ở mức vừa phải để đầu tư vào các đơn vị kinh doanh khác như Ngôi sao hoặc Dấu hỏi. Bò sữa có nhiệm vụ mang lại sự cân bằng và ổn định cho các danh mục đầu tư.
Con chó trong ma trận BCG
Con chó chiếm thị phần thấp và hoạt động trên thị trường có mức tăng trưởng cũng thấp. Chúng khó có thể tạo ra tiền mặt cũng như không yêu cầu lượng tiền mặt khổng lồ để duy trì. Đối với các doanh nghiệp, các sản phẩm Con chó thường không đáng để đầu tư vì chúng tạo ra lợi nhuận thấp hoặc thậm chí khiến doanh nghiệp phải bù lỗ. Các sản phẩm này cũng gặp bất lợi về giá thành.
Ý nghĩa của ma trận BCG
- BCG Matrix giúp doanh nghiệp dễ dàng phân bổ nguồn đầu tư đúng đắn cho các sản phẩm có tiềm năng hơn, giúp đảm bảo lợi nhuận tối đa.
- Giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quát nhất về giá trị thực tại của doanh nghiệp mình.
- Là thước đo đánh giá tiềm năng doanh thu, lợi nhuận khi sản phẩm mới ra mắt trên thị trường.
- Giúp nhà lãnh đạo dễ dàng hơn khi đưa ra các quyết định và chiến lược kinh doanh mới.
Cách xây dựng ma trận BCG
Sau đây là cách phân loại các sản phẩm doanh nghiệp vào 4 cơ cấu tương ứng:
1. Ngôi sao: Đây là những sản phẩm có sức cạnh tranh tốt trên thị trường, nhưng thường xuyên phải cạnh tranh với một số đối thủ mạnh khách. Doanh nghiệp cần duy trì nguồn vốn đầu tư khủng để duy trì tốc độ tăng trưởng của các sản phẩm loại này. Ngôi sao rồi cũng trở thành Bò sữa khi thị trường tiêu thụ của nó bước sang giai đoạn chín muồi. Doanh nghiệp cũng nên bổ sung thêm chi phí cho hoạt động marketing, truyền thông, bán hàng,…
2. Bò sữa: Đây là những sản phẩm có mức tăng trưởng thấp, nhưng lại chiếm thị phần lớn trong ngành hàng. Các sản phẩm Bò sữa đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nên nó chỉ cần khoản đầu tư vừa đủ để duy trì lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp nên dùng lợi nhuận từ sản phẩm Bò sữa để đầu tư phát triển cho sản phẩm Ngôi sao.
3. Dấu hỏi: Đây là các sản phẩm có mức tăng trưởng cao, nhưng chỉ chiếm thị phần nhỏ trên thị trường. Chúng là những sản phẩm khó quyết định và có nhiều nghi vấn nhất. Một số có thể có tiềm năng phát triển thành Ngôi sao, trong khi một số khác cần loại bỏ. Doanh nghiệp nghiệp nên thận trọng khi đưa ra các quyết định kinh doanh ở ô này. Bạn có thể test thị trường với một số phương pháp như khảo sát qua phiếu khảo sát, dùng thử sản phẩm, bán thử hàng hóa,…
4. Con chó: Đây là những sản phẩm nằm trong thị trường kém hấp dẫn và có thị phần thấp. Doanh nghiệp nên loại bỏ các sản phẩm này và lấy số tiền đó để đầu tư cho sản phẩm Ngôi sao hoặc Dấu hỏi.
Nhờ vào việc phân loại sản phẩm vào 4 cơ cấu trên, doanh nghiệp có thể dễ dàng nắm bắt được chu kỳ sống của các sản phẩm, từ đó đưa ra các chiến lược phân bổ nguồn lực và vốn đầu tư sao cho hợp lý.
Một số ví dụ về ma trận BCG
Để hiểu rõ hơn về việc áp dụng ma trận BCG vào thực tế, hãy cùng tìm hiểu về ma trận BCG của nhãn hàng Unilever:
Ngôi sao
Mảng chăm sóc cá nhân của Unilever được coi là các sản phẩm Ngôi sao, bởi thị phần của nó đang tăng lên nhanh chóng qua từng năm và tạo ra doanh thu cao nhất cho công ty. Xét về khu vực địa lý, khu vực Châu Á là khu vực có tiềm năng lớn đối với Unilever bởi mức doanh thu đem lại là cao nhất, chiếm khoảng 40% tổng doanh thu của công ty. Sự phân chia về địa lý Châu Á cũng xuất hiện theo từng nếp gấp của Ngôi sao.
Dấu hỏi
Mảng thực phẩm của Unilever được xếp vào diện Dấu hỏi. Thị phần phân khúc thực phẩm của Unilever đang giảm hàng năm, tuy nhiên mức tăng trưởng doanh số của ngành hàng này lại khá cao. Unilever cần tập trung vào phân khúc này phát triển nó thành sản phẩm Ngôi sao. Đồng thời, công ty nên đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển sản phẩm để cạnh tranh với các đối thủ và làm gia tăng thị phần trong ngành thực phẩm.
Bò sữa
Phân khúc chăm sóc và giải khát tại nhà của Unilever được xếp vào loại Bò sữa bởi chúng có thị phần cao, nằm trong ngành có mức tăng trưởng thấp. Chúng đang bị sụt giảm về doanh số bán hàng nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của công ty.
Con chó
Unilever không có sản phẩm thuộc danh mục Con chó. Unilever là một trong những nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới và hầu như các công ty như vậy đều không có danh mục Con chó.
>> Xem thêm: Top 13 nền tảng Dropshipping Việt Nam và nước ngoài uy tín nhất hiện nay
Lưu ý khi sử dụng ma trận BCG
- Doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào Thị phần và Mức tăng trưởng Thị phần. Điều này có thể sẽ làm doanh nghiệp thiếu đi cái nhìn khách quan về các yếu tố khác ảnh hưởng tới sản phẩm..
- Chu kỳ kinh doanh của các sản phẩm khác nhau là không giống nhau, khó có thể quy về một tiêu chuẩn nhất định.
- Bạn cần là người hiểu rõ về từng loại sản phẩm để có cái nhìn chính xác nhất khi đánh giá sản phẩm đó.
Lời kết
Trên đây, Vietnix đã cùng bạn tìm hiểu về ma trận BCG, các phân tích ma trận BCG, ma trận BCG trong quản trị chiến lược và một số ví dụ về ma trận BCG. Mong rằng bài viết này sẽ đem đến những thông tin hữu ích, giúp bạn dễ dàng ứng dụng ma trận BCG vào phát triển doanh nghiệp của mình!